CÕI DEVACHAN 2

CÕI  DEVACHAN 2

Xem Cõi  Devachan 1   

1. Chuyện gì xảy ra lúc con người qua đời.

2. Những giai đoạn sau khi chết

   – Người tự tử và người chết vì tai nạn

   – Thời gian ở cõi Devachan

   – Đặc tính cõi Devachan.

3. Cõi Devachan

    – Cõi Devachan ở đâu

    – Ai vào cõi Devachan

    – Các trạng thái Devachan khác nhau

    – Cảnh sống trong cõi Devachan

    – Chuyện hiện hình

Sự sống sau khi con người từ bỏ thể xác vẫn còn là một bí ẩn với đại đa số người, nên bài duới đây được soạn với mục đích làm sáng tỏ đôi chút sự việc. Nói một cách tổng quát thì sau khi qua đời, con người thật lần lượt trút bỏ thể sinh lực (thể phách), thể tình cảm, thể hạ trí và bước vào cõi Devachan thông thường gọi là thiên đàng hay tây phương cực lạc, ngơi nghỉ ở đó một thời gian trước khi tái sinh. Khoảng thời gian từ lúc rời cõi trần tới lúc bước vào cõi Devachan, và thời gian cư ngụ ở chính nơi đây chờ trở lại thì thay đổi theo đặc tính tình cảm và trí tuệ của mỗi người.
Tiến trình là vậy nhưng chung quanh sự việc giản dị này có những hiện tượng làm người ta thắc mắc, như việc hiện hình của người đã khuất, việc có vong linh hướng dẫn rất thịnh hành vào lúc này gọi là guide. Kế tiếp, diễn biến trên là của người xong kiếp sống theo như đã định, tức qua đời vì bịnh vì tuổi già, vì những duyên cớ tự nhiên, còn người cố tình chấm dứt kiếp sống của mình trước hạn định bằng cách tự tử, người không chủ tâm nhưng cũng bị chết sớm do tại nạn, chiến tranh thì các giai đoạn trên không áp dụng. Vậy thì ta sẽ bàn tới trường hợp chung lẫn ngoại lệ trong bài.

Trước hết nói về trường hợp chung, con người có phần thiêng liêng bất tử gọi là chân nhân (Ego), sử dụng thân xác để sinh hoạt ở cõi vật chất, thể sinh lực ở cảnh giới ether, thể tình cảm hoạt động ở cõi tình cảm, và thể trí ở cõi hạ trí. Đây là bốn thể hư hoại được tạo ra mỗi khi tái sinh bắt đầu kiếp sống mới, cũng như chúng sẽ tan rã sau khi chết, và tổng hợp bốn thể này gọi là phàm nhân (personality), có đặc tính thay đổi theo các kiếp sống. Trong khi đó chân nhân là phần bất hư hoại, trường tồn qua những lần tái sinh gồm thượng trí, bồ đề tâm và ý chí. Sau cái chết có hai sự việc diễn ra song song với nhau, một là những thể của phàm nhân lần lượt bị trút bỏ ở cảnh giới tương ứng và tan rã dần dần tại đó, hai là cùng lúc ấy con người thật là chân nhân tách rời những thể này và ngơi nghỉ ở cõi Devachan. Bởi các thể có sự sống riêng của chúng, dù tách rời khỏi con người thật và mất phần tri thức, chúng vẫn còn thói quen của cá tính, hiểu biết và kinh nghiệm của tình cảm lẫn hạ trí, và khi người sống ở cõi trần tạo cơ hội cho các điều này được lập lại thì ta có các hiện tượng siêu hình. Những thể được bỏ lại này được gọi là vỏ (shells) và hiện tượng siêu hình thường là do các vỏ này gây ra mà không phải con người thật, vì con người thật khi ấy đang ngơi nghỉ trong cõi Devachan. Khi đó hạ trí và tình cảm thành cái vỏ trống không theo đúng nghĩa, trôi dạt trong bầu không khí. Ký ức riêng của cái vỏ tiêu tan đi một phần, còn phần bản năng thấp kém hơn tiếp tục sống trong một thời gian, đó là cái ta gọi là ‘vong linh'. Không có con người thật trong vong linh này, vì con người thật là phần tinh thần đang chuyển hóa kinh nghiệm nơi cõi cao. Vong linh này khi tiếp xúc được ở cõi trần thì xưng là người hướng dẫn ‘guide' của người đồng bình thường.

Qua trường hợp riêng là người chết trước kỳ hạn như tự tử hay chết vì tai nạn bất ngờ, trong cả hai lọại con người thình lình bị tách lìa khỏi thể xác mà vẫn còn các thể kia, nên ta không có các vỏ. Tình trạng này sẽ được bàn vào chi tiết về sau.

1. Chuyện Gì Xảy Ra Lúc Qua Đời

Nói về mặt hiện tượng thì khi sự sống rút khỏi thể xác, và tâm thức trụ vào thể tình cảm và thể trí thì phần năng lực trong thể sinh lực (còn gọi là thể phách) cũng rút từ ngoại biên về, chuẩn bị tách rời khỏi thể xác. Khi thể sinh lực tách khỏi thân xác thì nó có hình dạng mờ nhạt giống như thể xác, do tư tưởng người ấy có về chính mình trong bao nhiêu năm qua. Tuy con người thật ra khỏi thể xác nhưng vẫn còn dây liên hệ giữa hai thể, thể sinh lực chưa thoát khỏi vùng ảnh hưởng của thân xác, và con người tâm linh vẫn còn gần với thể xác vừa mới bỏ trống. Hai thể tình cảm và thể trí vẫn còn thấu nhập thể sinh lực, con người tâm linh vẫn còn trụ vào cái sau, nên đó là lý do người ta có thể thấy thể sinh lực phảng phất quanh giường người chết hay quan tài.

Sau đó thể sinh lực hoàn toàn tan rã khi sinh lực rút lui khỏi thể, hỏa thiêu giúp rất nhiều cho tiến trình tan rã này vì vậy hỏa thiêu được khuyến khích. Nơi người chưa phát triển nhiều thì thể sinh lực có thể còn vất vưởng quanh nơi an táng, lý do là sức thu hút của linh hồn chưa mạnh và sức thu hút của vật chất ở đây là thể xác mạnh hơn nhiều. Với người tiến hóa và do đó tách rời suy nghĩ khỏi chuyện cõi trần, tâm thức không còn trụ vào cõi sinh lực nên sự tan rã của thể này có thể xảy ra hết sức mau chóng. Điều cần nhớ là dù ở trình độ tiến hóa nào, khi chết đi cá tính vẫn không mất, con người vẫn y như khi còn trên trái đất này, cái mất đi chỉ là phần hữu hình, và nay con người đáp ứng với đặc tính nào trội nhất nơi họ trong ba cái sau:

 

 

Cũng vẫn về mặt hiện tượng mà nhìn rộng ra thêm bao trùm trọn kiếp sống, ta có diễn biến sau giữa tác nhân xây dựng và hủy diệt. Lúc tái sinh và thai nhi tượng hình trong bụng mẹ, dân gian tin rằng các bà mụ (thiên thần tạo hình) tạo thai. Các thiên thần này bị ý chí và dục vọng của linh hồn muốn tái sinh thu hút họ, khiến các vị tụ lại làm công việc tạo dựng thân xác. Họ tiếp tục hoạt động ấy lúc trẻ thơ chào đời và trong suốt kiếp sống của một người, giữ cho thân xác có hình dạng liền lạc một khối, chuyển hóa và tuần hoàn sinh lực prana trong cơ thể. Khi con người qua đời, thiên thần tạo hình không còn bị phần vật chất thu hút nữa, quay sang chỗ khác nơi cần đến họ và thân xác khởi sự tan rã. Thiên thần taọ hình không còn chú ý đến thân xác và thiên thần hủy diệt tác động, làm hình thể tiêu tan.

Về mặt tâm thức, khi một người qua đời họ mất ý thức, tâm thức tách rời khỏi họ đột ngột như ánh lửa vụt tắt khỏi tim đèn, sự sống rút lui khỏi não bộ thì quan năng nhận thức biến mất hẳn trong lúc ấy tuy chỉ khoảnh khắc mà thôi. Con người thật bị sững sờ lúc chuyển tiếp từ cảnh sống cõi trần sang cảnh sống cõi khác, nhưng chỉ có vậy ngoài ra không có gì ghê gớm. Kế tiếp tùy theo trình độ phát triển của tâm thức mà ta có những tâm trạng sau:

* Người chưa tiến hóa thì cái chết thực sự là một giấc ngủ sâu, mê man và họ quên hết mọi chuyện, vì cái trí chưa đủ nẩy nở để phản ứng, và phần ký ức thì trống trơn.

* Người trung bình tốt bụng thì cái chết là đời sống tiếp tục trong tâm thức, đem theo cùng với nó khuynh hướng đã có cùng những quan tâm trong đời vừa xong. Tâm thức của anh và cảm nhận về chung quanh không thay đổi, vẫn y vậy, anh cũng vẫn là anh. Anh không cảm thấy có khác biệt cho lắm, được chăm lo và thường khi không biết là mình qua đới. Đây là trường hợp của đại đa số người, lúc sống họ chú tâm trọn vào sinh hoạt nơi cõi trần, giai đoạn đầu tiên sau khi chết là sự mơ màng nửa mê nửa tỉnh, không nhận ra được nơi chốn, tình cảm và tâm trí bị hoang mang.

* Với người độc ác, tàn nhẫn ích kỷ, người hung bạo và một số ít những ai chỉ sống đời vật chất mà thôi thì họ bước vào cảnh mà ta gọi là ‘không siêu thoát, còn vướng bận cõi trần'. Mối ràng buộc họ đã tạo với trái đất và khuynh hướng thiên về cõi trần trong mọi ước ao khiến họ vơ vẩn ở gần nơi đây và nơi cư ngụ sau cùng trên mặt đất của họ. Họ tuyệt vọng đi tìm hay dùng bất cứ phương thế nào, hầu tiếp xúc trở lại với cuộc sống và sống trở lại. Trong vài trường hợp, tình thương yêu mạnh mẽ cho thân nhân còn ở lại, hay ý thức rằng bổn phận cấp bách và cần thiết chưa hoàn thành, cũng khiến người tốt lành ở trong hoàn cảnh tương tự là chưa siêu thoát.

* Người hiểu biết thì cái chết là việc lập tức bước vào khung cảnh phụng sự và biểu lộ mà họ quen thuộc, và biết ngay là không có gì mới mẻ. Trong lúc ngủ khi còn sống họ đã phát triển một môi trường hoạt động cùng học hỏi, giờ qua đời thì chuyện giản dị là họ hoạt động trong đó trọn 24 tiếng đồng hồ (nói theo quan niệm cõi trần), thay vì chỉ vài giờ trong lúc ngủ như khi còn thân xác. Họ vẫn giữ liên lạc với người mà họ có mối liên hệ trong đờI, lúc những người này ngủ và qua cõi tình cảm gặp lại họ, kế đó họ vẫn ý thức được về môi trường và người xung quanh, cùng tiếp tục phận sự của mình. Người như vậy khi qua đời cũng vẫn là chính họ và biết thế. Họ không còn thân xác để tiếp xúc với cõi trần, nhưng ý thức được cảm xúc và tư tưởng của người mà họ thương mến. Họ có thể liên lạc với người còn sống ở cõi tình cảm lúc những người này ngủ ở cõi trần, hay bằng thần giao cách cảm nếu cả hai đồng điệu với nhau, hay như sẽ nói ở phần dưới đây, người còn sống có thể tiếp xúc với người qua đời bằng cách có tình thương thanh khiết đủ để vào cõi Devachan gặp họ, còn thì liên lạc qua ngũ quan là chuyện nằm ngoài tầm tay của đại đa số người.

Ta nên nhớ rằng sự tiếp xúc ở những cõi thanh tức cõi tình cảm và cõi trí (nơi có tâm thức Devachan), có thể có tính cách gần gũi nhạy cảm hơn trước rất nhiều, vì nay người qua đời không còn bị xác thân nặng nề  cản trở. Hiểu biết này cũng cho ta thấy là việc nằm mơ gặp thân nhân đã khuất không có nghĩa là họ trở về thăm ta, mà thường khi trong lúc ngủ ta qua cõi tình cảm và gặp được họ, hay tình thương trong sạch khiến ta hòa được với tâm thức thân nhân ở cõi Devachan, kinh nghiệm ấy mang trở về cõi trần khiến ta nhớ lại lúc thức dậy. Ta cũng nên biết là có hai điều ngăn cản sự tiếp xúc giữa người qua đời và thân nhân còn sống, một là lòng đau thương và mối xúc động mạnh mẽ của người ở lại, thứ hai là đối với người trung bình khi bước qua đời sống mới họ không biết gì về cảnh giới ấy, bị hoang mang lạ lẫm, mà thực ra đó chỉ là môi trường quen thuộc khi ngủ họ vẫn đi vào mà thôi. Người đã chết hiếm khi tiếp xúc, liên lạc với người còn sống vì họ hoặc đang mê mải với sinh hoạt cõi tình cảm, hay vì khi vào cõi Devachan thì do quá chìm đắm trong nỗi hoan lạc của mình, họ không quan tâm mấy tới điều gì xâm nhập vào nơi ấy, tức phần tinh thần của người còn sống nhưng thanh khiết đến mức vào được cõi Devachan gặp thân nhân. Điều này cũng có nghĩa do lòng trong sạch, người sống có thể lên những cõi cao để gặp người đã khuất.

2. Những Giai Đoạn Sau Khi Chết.

Có thể chia làm ba giai đoạn.

* Thứ nhất là khi con người rút lui khỏi thể xác và thể sinh lực.

* Thứ hai là khi chân nhân trút bỏ những thể thấp trong cõi tình cảm và hạ trí, đây là cõi của vong linh tức những vỏ không có con người thật bên trong. Giai đoạn này thay đổi từ vài phút đến nhiều năm và là khoảng thời gian hấp thu, chắt lọc phần tinh hoa của kinh nghiệm cõi trần, giữ lấy những gì thuần chân mỹ thiện, giai đoạn này có thể rất ngắn hay rất dài và tỉ lệ với sức mạnh tinh thần của chân nhân.

* Thứ ba là khi chân nhân vào cõi Devachan, thời gian này tỉ lệ với nhân quả tốt và sau đó con người tái sinh. Nó có thể dài hàng ngàn năm, tựa như ngọn đèn dầu, bình dầu nhỏ hay lớn như đại dương sẽ quyết định thời gian đèn cháy sáng. Nhân quả khác nhau sẽ cho ra sự khác biệt lớn lao về thời gian dài ngắn. Mỗi hậu quả bắt buộc phải tỉ lệ với nguyên do, và thường là kéo dài hơn thời gian sinh ra nguyên do, rõ rệt nhất là từ hạt giống nhỏ bé có thể sinh ra cây đại thọ 22 thế kỷ, như cây bồ đề mà đức Phật ngồi tham thiền. Vì vậy ta không nên ngạc nhiên khi đọc kinh Phật nói rằng hành động tốt lành có thể hưởng được hàng triệu năm hoan lạc ở cõi Devachan.

Có phải người trong cõi Devachan thực sự theo dõi người còn sống nơi cõi trần chăng ?

* Điều ta nên nhớ là một khi bước vào cõi Devachan, chân nhân không còn trở lại cõi trần liên lạc với người ở đó nữa, hay với người đồng làm trung gian. Sự liên lạc nếu có thường là với 2 thành phần sau, một là những cái vỏ, tức thể tình cảm hay thể hạ trí mà chân nhân bỏ lại, chúng không nhất thiết là xấu nhưng cả những cái vỏ 'tốt' cũng bị việc liên lạc này làm xấu đi. Thành phần thứ hai là người tự tử hay người bị tử nạn, họ đều có thể tiếp xúc với người trần và sẽ phải trả giá cao cho việc ấy.

Điều gì xảy ra cho trường hợp này ?

* Hai loạị người này là ngoại lệ theo nghĩa họ vẫn phải ở lại trong bầu hấp lực của trái đất, trong bầu không khí của nó cho tới hết hạn kỳ đời sống nơi cõi trần mà đáng lẽ họ sẽ sống, nếu không tự tử hay bị tử nạn. Khi tiếp xúc với những người này là ta làm sống lại ký ức của họ, quyến rũ họ vào cánh cửa mở là người đồng cho họ cơ hội sống đời sống giả tạo, và như vậy làm tăng thêm phần nhân quả, tăng thêm sự đau khổ của họ. Lý do là họ phải trả giá cho mỗi tiếp xúc như vậy.

Để giải thích thì người tự tử sau khi chết thấy rằng họ không trốn thoát được cuộc đời, vì họ vẫn còn sống tuy rằng trong cõi thanh mà không phải ở cõi trần. Họ mất đi thân xác và thể sinh lực (thể phách) và cảm thấy nuối tiếc sự sống. Những người này có thể bị cám dỗ muốn sống trở lại bằng hành động trái lụật tức nhập xác, và do đó tạo nên nhân quả xấu cho kiếp sau. Với người bị tử nạn thì nếu có bản chất trong sạch, họ sẽ ngủ một giấc dài đầy mộng đẹp, không nhớ gì tới tai nạn, mà nằm mơ thấy mình sinh hoạt trong cảnh sống thường ngày giữa những người thân, họ ngủ như vậy cho tới khi hạn kỳ đúng của cuộc sống ở cõi trần chấm dứt và bước vào cõi Devachan. Còn người tử nạn mà đầy nhục dục họ không được hạnh phúc như vậy, mà đi lang thang cho tới khi hạn kỳ cuộc sống dưới trần chấm dứt. Đây không phải là những cái vỏ như của người chết đúng ngày giờ, bởi vì người tự tử và người tử nạn chỉ mất thân xác mà thôi, còn thì vẫn giữ những thể khác và chưa bỏ nó như người chết vì duyên cớ tự nhiên. Do việc chết trong lúc còn đầy ham muốn chuyện cõi trần, và bị lòng ham muốn ấy ràng buộc vào khung cảnh quen thuộc, họ nắm lấy cơ hội mà người đồng mời mọc lôi cuốn, sống tạm qua đồng cốt hay ai để cho họ sử dụng, và khiến các trung gian này phạm những tội ghê gớm.

Đó là trường hơp người có bản tính rất tệ, còn với người trung bình không xấu quá mà cũng không tốt quá ,khi bị tử nạn mà được người đồng tiếp xúc, thì hành động ấy tạo nên nhiều điều không tốt đẹp chút nào, nó vừa sinh ra những uẩn mới (skandha), vừa sinh ra nhân quả mới không lành. Người đồng khêu gợi trong lòng ai bị tử nạn hay tự tử các dục vọng ham sống, và khi họ thỏa mãn bằng cách sống tạm qua người đồng thì họ sinh ra một lọat những uẩn mới, về sau tạo một thân xác mới với khuynh hướng và dục vọng xấu hơn thân xác vừa bị mất. Nếu người đồng biết được việc là với mỗi người ‘hướng dẫn' mà họ vui mừng được tiếp xúc, là họ sẽ tạo nên một loạt những điều tệ hại cho kiếp sau của các vong linh này, và mỗi buổi cầu hồn, nhất là khi có hiện hình, là người đồng tạo ra nhiều nguyên cớ cho đau khổ về sau, thì có lẽ họ sẽ bớt mau mắn trong việc tiếp xúc với vong linh. Cũng vì lý do này mà người theo tinh thần thật sự chống đối mạnh mẽ chủ trương Thông linh, Thông thần học (Spiritualism) và chuyện đồng cốt, bởi việc các nhóm này làm không hề có nét tinh thần mà thuần vật chất, là tiếp xúc với những vỏ bị con người thật trút bỏ, tức tiếp xúc với phần vật chất mà không phải là phần tinh thần.

Nói thêm về tình cảnh của người tự tử và tử nạn là theo luật thường, ai qua đời một cách tự nhiên thì ở lại trong cõi tình cảm, trong bầu hấp lực của trái đất từ vài giờ đến vài năm ngắn ngủi, còn người tự tử  hay bị tử nạn dữ dằn là trường hợp ngoại lệ. Lấy thí dụ kiếp sống của họ được ấn định trước là chấm dứt lúc 80 tuổi, nhưng họ quyên sinh hay bị tai nạn giết chết lúc 20 tuổi thì sẽ phải ở cõi trung giới không phải chỉ vài năm mà đến 60 năm như là vong linh, cho tới khi kiếp sống của họ chấm dứt như đã định là 80 tuổi. Nhưng không phải điều này áp dụng cho mọi trường hợp, ai tốt lành mà tự tử hay tử nạn, lấy thí dụ tự tử vì lý do cao quý như Võ Tánh thì ngủ một giấc dài đầy mộng đẹp trước khi tỉnh dậy trong cõi Devachan. Ngược lại điều không hay chút nào xảy đến cho ai do dục vọng thu hút tới người đồng, nhập vào người họ để trong phút chốc trở lại cảnh sống cõi thế.

Ta có thể ghi tổng quát rằng trong trường hợp tử nạn nói chung, nạn nhân thường ngủ một giấc dài có hay không có mộng đẹp, cho tới khi hết kiếp sống đã định của họ ở cõi trần theo lẽ công bằng của thiên nhiên. Lý do là dù xấu hay tốt, nạn nhân không chịu trách nhiệm về cái chết của mình, ngay cả khi cái chết ấy là do hành động nào đó trong một kiếp trước. Nếu được sống lâu hơn không chừng họ có thể sửa chữa lỗi lầm ấy cho tốt đẹp hơn, nay khi nó phải trả cái quả và qua đời thì không còn bị nhân quả theo đuổi, ít nhất trước khi đầu thai. Tai nạn là hành động của luật nhân quả, nhưng nó không phải là kết quả trực tiếp của một hành động cố ý trong đời mà họ bị tử nạn, và động cơ hay hậu ý là điều đáng kể hơn hết, cũng như con người bị trừng phạt trong trường hợp có trách nhiệm trực tiếp, còn thì không có chuyện ngược lại. Với người tử nạn thì ngày giờ của cái chết xảy ra thình lình, còn trong trường hợp tự tử thì đó là hành động cố tình, biết rõ hậu quả ra sao.

Các vị cao cả không thể can thiệp vào công việc của con người lúc còn sống, nhưng các ngài bảo vệ cho nạn nhân bất lực khi họ bị chết một cách dữ dội, chết trước hạn kỳ và trước khi sẵn sàng để chết. Thế nên họ say ngủ cho tới hết hạn kỳ đời sống ở cõi trần, và chỉ tỉnh dậy khi có việc trút bỏ các thể cho con người thật bước vào cõi Devachan. Nếu phần nhân quả không đủ mạnh cho họ vào nơi ấy thì họ sẽ tái sinh. Có nghĩa trừ trường hợp các vỏ và người tự tử, không có khả hữu nào là có ai khác bị lôi cuốn tới buổi cầu hồn, và những gì xảy ra ở đó thì nhiều phần không phải là do con người thật, mà hiện tượng thường là do các vỏ làm ra.

Thời gian ở cõi Devachan.

Con người chỉ có thể hoạt động ở cõi Devachan, bước vào cảnh giới này khi đã phát triển trí tuệ nhiều hay ít, vì vậy người sơ khai chưa nảy nở trí năng sẽ không sinh hoạt nơi đây sau khi từ bỏ cõi trần, và gần như là tái sinh mau lẹ, khoảng thời gian họ ở cõi tình cảm thường là rất ngắn. Mặt khác người tiến hóa cao cũng không ở lâu trong Devachan, họ xem giai đoạn ngơi nghỉ này là mất thì giờ, và muốn trở lại cõi trần sớm để tiếp tục việc phụng sự. Như thế về điểm này người chưa tiến hóa và người tiến hóa xa lại giống nhau, là khoảng cách giữa hai kiếp sống thường ngắn ngủi.

Devachan còn là giai đoạn con người đúc kết, chuyển hóa kinh nghiệm thâu thập ở cõi trần thành khả năng cho kiếp tương lai, cũng vì vậy mà người chưa phát triển nhiều về trí tuệ không có gì mấy để đúc kết sau khi chết, nên họ tái sinh gần như tức thì, tự động, theo luật thiên nhiên. So sánh tiếp thì người tiến hóa cao không đợi tới khi chết vào cõi Devachan, mới đúc kết học hỏi từ kinh nghiệm mà mỗi ngày họ làm công việc này, họ không quan tâm đến Devachan như là phần thưởng sau kiếp sống, nhưng quan tâm đến sự tiến hóa cao hơn. Họ nhìn xa hơn cái ngã và thấy bước đường tương lai của tinh thần nên hữu ý không muốn bước vào Devachan, thay vào đó chọn việc tái sinh ngay, hoà ý muốn của cái tôi với ý muốn của chân nhân. Tâm thức của họ là tâm thức sống trong vĩnh cửu, và liên tục lúc ngủ cũng như lúc thức, lúc qua đời hay còn ở cõi trần không bị gián đoạn, người như vậy đã ý thức luật tiến hóa và muốn phục vụ nhân loại nên trở lại cõi trần mau lẹ, khoảng cách giữa hai kiếp sống chỉ khoảng vài năm, hay 20, 30 năm. Với người trung bình giai đoạn ở cõi Devachan lâu hay mau tùy kinh nghiệm thâu thập lúc còn sống, và khả năng hấp thu kinh nghiệm này. Có triết gia mê mải đắm chìm nơi ấy hàng trăm năm do sức mạnh tư tưởng lúc sống của họ tạo nên, tiếp tục nghiên cứu vấn đề làm họ bận tâm nơi cõi trần. Vì những khác biệt này ta không nên phỏng đoán thời gian ở cõi Devachan của ai, và sách vở nào ghi kỳ hạn cho các loạị người thì không đáng tin.

Đặc tính cõi Devachan.

* Có một đặc tính cần nhớ về tâm thức nơi đây, là chỉ những gì tốt lành nhất mới có thể thể hiện ở đó, tức sự phiền muộn và những tình cảm thấp như giận hờn, thù ghét không vào và không có được trong Devachan. Từ hiểu biết này ta suy ra là người trong tâm thức Devachan không ý thức được chuyện cõi trần, nếu thương yêu ai lúc còn sống, họ sẽ gặp lại hình tư tưởng của người này tại Devachan và tiếp tục thương yêu, trong khi đó đối tượng của lòng thương yêu có thể vẫn còn sống nơi cõi trần và không chừng gặp phiền muộn nơi ấy, nhưng linh hồn người ở Devachan không biết gì đến chuyện này. Bởi nếu biết thì họ lo rầu theo và như thế Devachan không còn ý nghĩa là thiên đàng cực lạc nữa. Con người chìm đắm trong nỗi hoan lạc cá nhân và không thấy được gì khác.

Đối tượng của tình thương chỉ là hình tư tưởng, nhưng kinh nghiệm thương yêu hòa hợp lại rất thực, điều không quan hệ là đối tượng tốt hay xấu, cái quan hệ là tình thương giữa đôi bên chân thực và sâu đậm như thế nào. Theo nguyên tắc đó người A dù bị xem là xấu xa khi còn sống thí dụ như tội phạm, vẫn có thể được hưởng Devachan nếu họ có tình thương đẹp đẽ với người B. Chuyện xảy ra ngay cả khi người B cũng không xứng đáng theo tiêu chuẩn đạo đức cõi trần, và có thể không vào được Devachan, chỉ có hình tư tưởng của họ hiện diện nơi đó là đối tượng thương yêu cho người A. Đi xa hơn, người có nhiều chồng nhiều vợ thì sao, họ gặp ai trong cõi Devachan, nếu hai bà vợ hay hai ông chồng của người chồng hay người vợ không thuận thảo với nhau lúc sống ? Ta có thể nói vắn tắt là họ sẽ gặp người mà họ thương yêu tức nhiều vợ nhiều chồng. Tình cảm thấp như ghen tuông sẽ không thể hiện được nơi cõi Devachan, và nhân vật của chúng ta sẽ được hạnh phúc nơi ấy theo đúng mức độ họ xứng đáng được hưởng, với những người thân mà họ có ràng buộc do tình thương.

3. Cõi Devachan.

Linh hồn khi đã vào cõi Devachan thì không bao giờ có thể trở lại cõi trần. Ai bước vào đây không cảm thấy buồn rầu hay đau đớn, mà chỉ thấy sự hòa hợp, nên Phật giáo gọi đây là cõi tịnh độ. Devachan không giống như sự tưởng tượng của con người về thiên đàng, hay tây phương cực lạc trong tôn giáo hay niềm tin dân gian. Lấy thí dụ người Hồi giáo tin rằng trên cõi thiên đàng có suối là sữa và mật ngọt, với các thiếu nữ xinh đẹp phục vụ cho người tử nạn vì thánh chiến, nhưng ta sẽ thấy là nó không phải vậy. Vắn tắt mà nói thì bởi không còn thân xác, những sinh hoạt của cơ thể như ăn, uống (sữa và mật ngọt), tình dục (thiếu nữ xinh đẹp) cũng không còn. Điều mà linh hồn kinh nghịệm ở đây là hoạt động trí tuệ thanh cao, và những tình cảm thánh thiện nhất, như lòng sùng tín hướng về các đấng cao cả, tình thương trong sạch cho người khác. Tất cả đều do con người tạo ra và nuôi dưỡng lúc sống, nay trong cõi Devachan được làm sâu đậm hơn bội phần, nó có nghĩa người ta không thể kinh nghiệm nơi đây điều gì mà chưa từng cảm xúc hay vun trồng ở cõi thế.

Cõi Devachan ở đâu ?

Đây là trạng thái tâm thức mà không phải nơi chốn địa lý nên không có địa điểm xác định cho Devachan, về mặt tâm thức thì đây là cảnh thứ tư của cõi hạ trí, điều ấy cho ta hiểu biết đầu tiên rằng con người cần phát triển trí tuệ đến một mức nào đó mới kinh nghiệm được cõi Devachan.

Ai vào cõi Devachan ?

Phần chân nhân tuyệt mỹ, thanh khiết, thánh thiện của mỗi người. Chỉ những gì tốt lành đẹp đẽ trong cá tính mới làm con người bước vào được nơi đây, nên việc họ vào cõi Devachan muốn nói thành phần tốt trong kiếp sống vừa qua nhiều hơn phần xấu trong con người của họ. Trong lúc nhân quả xấu tạm ngưng và chờ con người tái sinh ở cõi trần mới tác động, thì người ta mang theo cùng với mình nhân quả tốt về hành vi, lời nói và tư tưởng vào cõi Devachan. Xấu tốt chỉ là tương đối, nên tất cả những ai không quá đỗi tệ hết phương cứu vãn thì đều vào cõi Devachan, họ được hưởng, nhận lại hệ quả của nguyên cớ mà họ đã sinh ra, còn thì họ sẽ trả cho lỗi lầm của mình sau này.

Devachan là một trạng thái ích kỷ sâu đậm, thiên nặng về cái tôi nhưng không có nghĩa xấu, trong khoảng thời gian ở đây chân nhân gặt hái phần thưởng dành cho hành vi đẹp đẽ của nó lúc sống. Chân nhân hoàn toàn đắm chìm trong hạnh phúc, do tình thương riêng tư sinh ra ở kiếp vừa rồi nơi cõi trần, do lòng ưa chuộng, do tư tưởng, và gặt hái kết quả của hành động xứng đáng. Đau khổ, buồn rầu không có chút nào nơi đây để làm hạnh phúc vẩn đục của chân nhân, và nhìn kỹ thì đây là trạng thái sống trong ảo tưởng một thời gian lâu. Giống như chân nhân có ảo tưởng về cá tính ở cõi trần, một kiếp chỉ là giấc mộng Nam Kha thì thời gian trong cõi Devachan cũng y vậy, cũng chỉ là một giấc mộng nhưng có mức sâu đậm nồng nàn hơn trăm lần. Sâu đậm tới mức chân nhân đang sung sướng nơi ấy không thể nhìn xuyên qua được màn ảo ảnh để thấy sự xấu, đau khổ và bất hạnh có thể đang xảy tới cho người thân yêu còn sống.

Chân nhân sống trong giấc mơ hoa ấy với người thân của mình dù đã chết hay còn nơi cõi trần. Nó có hình ảnh như thật của những người này ở cạnh nó, và họ cũng sung sướng hạnh phúc và vô ưu như chính chân nhân đang có giấc mơ. Người còn sống ít khi cảm được việc này, nhưng trong tình trạng ảo tưởng đó người dưới trần khi thức dậy và nhớ lại giấc mơ gặp được thân nhân, ai đầy tình thương và lòng thanh khiết có thể nghĩ rằng thân nhân quá vãng từ cõi trời đã xuống thăm họ trong gịấc ngủ, trong khi thực ra tâm linh của họ được nâng cao vào cõi cõi Devachan, hội ngộ người mà họ thương mến.

Có nhiều cuộc tiếp xúc tâm linh là chuyện thật, đa số xảy ra khi người nhạy cảm có tâm hồn thanh khiết, và vài hiện tượng gọi là giáng bút (psychography) cũng là chuyện thật nhưng hiếm hơn. Giải thích thì phần tinh thần của người nhạy cảm, hoà nhập vào hào quang của người đã qua đời đang ở trong cõi Devachan, và trong vài khoảnh khắc trở thành cá nhân đã quá vãng ấy, viết chữ viết của họ, bằng ngôn ngữ của họ, theo tư tưởng của họ như lúc còn sinh tiền. Hai tâm linh hòa làm một và phần nào trội hơn sẽ quyết định cá tính nào lộ ra trong cách viết như thế, hay cách nói lúc lên đồng. Tương ứng này là do sự rung động đồng cách của phân tử trong thể thanh của người đồng, và thể thanh của người quá vãng, giống như trong âm nhạc hai nốt khác nhau có thể hòa hợp mà vẫn phân biệt riêng rẽ được, và sự hòa hay bất hòa này tùy thuộc vào mức rung động đồng nhịp và khoảng thời gian nó xảy ra. Chuyện cũng y hệt vậy cho người đồng và nhân vật quá vãng, khi phân tử thể thanh của hai người hòa với nhau. Kế tiếp, kết quả của sự tiếp xúc mang đặc tính người này hay người kia nhiều hơn, sẽ được xác định bằng mức rung động tương đối của hai loại rung động, trong làn sóng tổng hợp của Akasa tức Thiên ảnh ký. Mức rung động càng ít đồng nhất chừng nào thì kết quả càng mang nhiều tính chất của người đồng và ít phần tinh thần chừng ấy. Bằng cách đó người ta có thể đo lường trình độ đạo đức của vong linh nào được xem là hướng dẫn người đồng, lẫn sự việc thật tới đâu.

Có nhiều trạng thái Devachan khác nhau không ?

Phải, có nhiều trạng thái Devachan, giống như nhiều loại hạnh phúc, và tựa như ở cõi trần thì ở cõi Devachan cũng có những nhận thức và khả năng cảm nhận phần thưởng khác nhau. Đó là cảnh thiên đàng do trí tưởng dựng nên, trong mỗi trường hợp do chính chân nhân con người tạo ra, tự mình vẽ nên khung cảnh, đem vào đó chuyện này chuyện kia lẫn các nhân vật mà người ấy muốn có, trong bầu hạnh phúc đền bù ấy. Chính loại cảnh trí này sẽ hướng dẫn chân nhân vào đường tái sinh trong điều kiện cao hay thấp của kiếp tới. Mọi chuyện được điều chỉnh hết sức hòa hợp trong thiên nhiên, nhất là trong cõi thanh là cõi chủ động, khiến cho những vị cao cả chăm sóc nơi đây khi hướng dẫn các động lực sẽ không sao nhầm lẫn được.

Theo ý đó thì chỉ ai sống đời tinh thần cao ở cõi trần trong kiếp này, mới có thể vui hưởng trạng thái tinh thần hoàn toàn tức Devachan, nhưng có vô số người rất tốt về mặt đạo đức mà không hướng về tinh thần chút nào. Làm sao họ bước vào được cảnh sống tinh thần với ký ức vật chất của kiếp vừa xong ?

Trạng thái tinh thần này chỉ là tương phản với trạng thái vật chất, và như đã nói mức độ tinh thần sẽ quyết định và tạo nên những trạng thái Devachan khác nhau, trong giới hạn của cõi này. Một bà mẹ thuộc bộ lạc sơ khai sẽ không kém phần sung sướng như một bà mẹ trong cung điện lộng lẫy, khi ôm đứa con đã mất trong tay; ta có nói trẻ chết non trước khi phát triển trọn vẹn những thể của mình thường không vào cõi Devachan mà tái sinh ngay, dầu vậy tình thương của bà mẹ sẽ khiến bà tưởng như gặp được các con ở đó, không thiếu con nào mà lòng bà khao khát. Sự việc chỉ là giấc mơ, nhưng phải chăng sự sống tự nó cũng chỉ là một khung cảnh bao la, gồm những chuyện sống động mà không thực hay sao ?

Niềm hoan lạc của một người bán khai cảm được trong thiên đàng theo quan niệm của họ, thì không kém phần sâu đậm như nỗi hoan lạc của người lịch lãm hơn, trải qua bao nhiêu năm sung sướng lắng nghe những bản hòa tấu của cõi trời, do ban đồng ca và dàn nhạc thiên thần tưởng tượng. Người sơ khai săn bắn thú rừng và gây giết chóc thú vật để sinh tồn, nhưng nếu đó là người cha, người mẹ đầy tình thương thì tại sao họ lại không được hưởng phần thưởng của họ ? Tuy vậy câu chuyện khác biệt hẳn với người có học thức, sinh ra trong thế giới văn minh mà lại tàn nhẫn giết hại thú rừng để giải trí. Người sơ khai lúc tái sinh sẽ ở nấc thang tiến hóa thấp, vì sự phát triển phần đạo đức chưa toàn vẹn, còn nhân quả của người sau thì bị bất lợi vì đạo đức xấu xa. Nói chung thì trừ trường hợp người quá thiên về vật chất, và bị lôi kéo vào cõi thấp nhất sau khi qua đời, bất cứ ai cũng đủ điều kiện  để vào một trạng thái tương đối về tinh thần, thích hợp với cảnh sống khi trước của họ ở cõi trần và lối suy tưởng của họ.

Cảnh sống trong cõi Devachan.

Khi con người qua đời không còn thân xác thì chỉ còn hai tình cảm bất tử sót lại sau đời sống ở cõi trần, đó là tình thương và lòng ghét bỏ. Riêng về tình thương chỉ những gì đã được tinh lọc, tinh thần hóa mới theo con người vào cõi Devachan, và con người gặp lại nơi đây những ai mà họ đã thương yêu với tình thương bất tử, trong khung cảnh mờ nhạt thấp thoáng, quen thuộc, và không có gì khác liên hệ đến đời sống xã hội, chính trị .v.v. Nỗi hoan lạc không gì vẩn đục ấy sẽ kéo dài từ vài năm đến hàng ngàn năm, tỉ lệ với tình cảm tới mức nào, vì tình cảm này sinh ra nỗi hoan lạc nói trên. Người ta có thể nghĩ kinh nghiệm như vậy rất chán và đơn điệu nhưng không phải thế. So sánh thì khi có hoan lạc cực độ nơi cõi trần, ta không thấy nhàm chán, vậy sự việc cũng y thế nơi cõi Devachan chỗ mà hàng ngàn năm chỉ dài bằng khoảnh khắc. Ở đó người ta không có ý thức về một thế giới bên ngoài nên không thấy có gì là lạ, và vì thế không thấy có gì là nhàm chán hay có gì khác. Người ta không cảm biết gì ngoài tình thương bất tử và lòng thiện cảm thu hút tới người khác, đây là những tính chất nằm sâu trong bồ đề tâm và không nhuộm màu thấp kém. Cả hai tính chất này cùng những điều khác được sinh ra và nuôi dưỡng trong kiếp sống nơi cõi trần, và chúng sẽ quyết định cảnh sống sau khi chết được hoan lạc hay khó khăn nên nói khác đi, chúng ta tự tạo cho mình cõi Devachan hay địa ngục ngay từ lúc sống ở cõi trần.

Hiện hình.

Hình dạng người quá vãng đôi khi có thể thấy được như việc hiện hình sau khi chết, nhưng trừ phi nó hiện ra với ý thức của con người, hay do ước muốn sâu đậm được thấy, được hiện ra cho ai đó gặp, do ý muốn người sắp qua đời, thì hiện hình chỉ là hiện tượng tự động, không do sự hấp dẫn của thiện cảm, do ý chí. Đây là một thể tạm thời cô đặc lại tới mức cảm quan nơi cõi trần nhận biết được nó, và sau đó tan rã đi. Hình ấy không phải là con người thật, nó có thể linh hoạt phần nào làm ta tưởng lầm rằng đó là người thật nhưng không phải, không có sự sống độc lập trong hình như thế.

Thông Xanh

Sách tham khảo: 
- The Mahatma letters to A.P.Sinnett.
- H.P.Blavatsky's Collected Writing.
- Esoteric Healing, A Treatise on While Magic by A.A.Bailey